Trong thế giới đồng hồ, mặt kính sapphire luôn là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của những tay chơi bởi khả năng chống ăn mòn, chống trầy xước cực tốt, giúp bảo vệ cho mặt kính đồng hồ. Thế nhưng liệu bạn đã biết hết bí mật về kính sapphire trong công nghiệp sản xuất đồng hồ hay chưa? Cùng Đồng hồ Lộc đi tìm hiểu ngay nào.
1/ Kính sapphire là gì?
Kính sapphire là một loại vật liệu quý có chất lượng cực tốt với khả năng chống ăn mòn, chống xước tuyệt vời. Các nhà sản xuất tạo ra sapphire từ bột nhôm oxit Al2O3 sau quá trình Verneuil ở nhiệt độ 2054 độ C để tạo ra các khối tinh thể theo khuôn. Các khối tinh thể đạt chất lượng sẽ được mài dũa và cắt lát bằng cưa mạ kim cương, tạo hình thành các miếng kính có độ cứng và trong suốt như mong muốn.
Dựa theo thang đo Mohs thì độ cứng của kính sapphire đạt mức 9, chỉ sau mỗi kim cương. Về lý thuyết, điều này đồng nghĩa với việc chỉ có kim cương là loại đá quý duy nhất trong tự nhiên có thể làm trầy xước được sapphire. Tuy nhiên, khi kiểm chứng thực tế, ở một số trường hợp, những loại đá có độ cứng thấp hơn sapphire như hoàng ngọc (độ cứng bằng 8) và thạch anh (độ cứng bằng 7) vẫn có thể làm trầy xước được loại kính này.
Một điểm khác mà các tay chơi cần phải lưu ý, đó là ưu điểm về độ cứng cũng chính là nhược điểm luôn tồn tại của mặt kính sapphire. Mang đến độ cứng gần như tuyệt đối song kính sapphire lại rất giòn và dễ vỡ. Chính vì vậy, hãy hạn chế đeo đồng hồ khi chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động mạnh.
2/ Các loại mặt kính sapphire:
Tùy thuộc vào giá thành và cấu trúc của đồng hồ mà các nhà sản xuất lựa chọn sử dụng các loại kính sapphire khác nhau. Mặt kính sapphire được chia làm 3 loại phổ biến như sau:
– Sapphire tráng mỏng: Là loại mặt kính đồng hồ thông thường với lớp tráng mỏng sapphire phía trên. Mặt kính này rất giòn và dễ vỡ. Sau một thời gian sử dụng, lớp tráng sapphire sẽ bị trôi dần dẫn đến bề mặt không được bảo vệ sẽ gây trầy xước nếu có va chạm. Thông thường các mẫu đồng hồ kém chất lượng với giá thành rẻ sẽ dùng mặt kính sapphire tráng mỏng để tiết kiệm chi phí sản xuất.
– Sapphire tráng dày: Tương tự như kính sapphire tráng mỏng, đây cũng là loại mặt kính sapphire tráng với bề mặt dày hơn, mang tới thời gian chống trầy xước lâu hơn.
– Sapphire nguyên khối: Được đánh giá là loại mặt kính sapphire tốt nhất trong các loại mặt kính và được sử dụng trong các mẫu đồng hồ chính hãng chất lượng cao. Sapphire nguyên khối mang tới khả năng chống trầy xước tuyệt đối cũng như chịu va đập tốt và có độ trong, sáng, sắc nét.
3/ Cách nhận biết kính sapphire:
Với sự ưa chuộng của khách hàng, kính sapphire đang trở hành một chuẩn mực phải có trên các mẫu đồng hồ. Dựa vào tâm lý này, trên thị trường cũng đã xuất hiện không ít các loại sapphire “dởm”. Hãy tìm hiểu một số cách thức phân biệt kính sapphire để trở thành người tiêu dùng thông thái nhé.
Phương pháp 1: Quan sát trực diện
Kính Sapphire có khả năng chống xước và va đập tốt. Ngoài ra, bề mặt của kính sapphire luôn có độ sáng bóng, trong trẻo. Khi sờ lên mặt kính, bạn sẽ cảm nhận được sự trơn láng và mát lạnh. Theo các chuyên gia trong ngành, khi nhìn kỹ vào phần vành đồng hồ, nếu có ánh xanh hắt lên là kính sapphire, còn nếu trong veo là kính thường.
Phương pháp 2: Nhỏ giọt nước (khuyến khích áp dụng)
Đặt đồng hồ trên mặt phẳng và nhỏ 1 giọt nước lên mặt kính rồi quan sát. Nếu giọt nước đọng lại không loang hoặc khi nghiêng đồng hồ thấy giọt nước chảy dọc không bám mặt thì đây chắc chắn là kính sapphire chuẩn. Ngược lại, với những mặt kính thường khi nhỏ giọt nước lên sẽ bị loang ra bề mặt, không đọng thành giọt.
Phương pháp 3: Dùng kim loại thử
Sử dụng một que kim loại nhọn rạch một đường trên bề mặt đồng hồ. Nếu bề mặt không trầy xước thì đó là kính sapphire, còn nếu là sapphire tráng thì sẽ xuất hiện vết bong tróc.
4/ Một số lưu ý khi sử dụng đồng hồ mặt kính sapphire:
– Hạn chế tối đa các va chạm trong quá trình sử dụng
– Không đeo đồng hồ cùng với các loại trang sức khác
– Nên cất giữ đồng hồ vào tủ đựng riêng hoặc bọc vào một miếng vải mềm khi không sử dụng.
– Nếu phát hiện mặt kính có vết nứt hoặc vỡ nhỏ, bạn nên đưa ngay đồng hồ đến trung tâm bảo hành ủy quyền chính hãng để thay thế nếu không muốn bộ máy đồng hồ dính bụi bẩn hoặc đọng hơi nước.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về kính sapphire. Hi vọng bạn sẽ tìm được cho mình những thông tin bổ ích từ bài viết này.